TRA CỨU THÔNG TIN DƯỢC TÍNH THUỐC ↑

Giải phẫu học cổ tử cung trong giải phẫu bệnh


Cổ tử cung được bao phủ bởi hai lớp thượng mô: thượng mô gai cổ ngoài và thượng mô trụ cổ trong.

Tổng quan

Cổ tử cung là phần dưới của tử cung, lộ vào trong âm đạo. Cổ tử cung dài 2,5 đến 3cm ở phụ nữ chưa sinh đẻ. Cổ tử cung chếch ra sau và xuống dưới.

Phần cổ tử cung nằm trong âm đạo được gọi là cổ ngoài, có bề mặt lồi và đường giới hạn bởi các cùng đồ trước và sau âm đạo. Ở trung tâm là lỗ cổ ngoài trên ở phụ nữ chưa sinh và có dạng miệng cá ở phụ nữ chưa sinh. Phần này được chia làm môi trước và môi sau.

Lỗ cổ ngoài thông thương với eo tử cung qua kênh cổ tử cung. Kênh này có hình bầu dục, nơi rộng nhất là 0,8 cm và có các nếp gấp niêm mạc dọc.

Các động mạch cổ tử cung là những nhánh của động mạch tử cung. Ở cổ ngoài, các tiểu động mạch đi thẳng góc với bề mặt niêm mạc cổ tử cung. Ở cổ trong, các tiểu động mạch chạy gần song song với bề mặt.

Mạch limphô cổ tử cung xuất phát từ hai lớp, dưới lớp nội mạc và sâu trong mô sợi, đổ vào hai lưới limphô vùng eo tử cung và đến các hạch: hạch chậu ngoài, hạch bịt, hạch hạ vị, hạch chậu chung, hạch thiêng và hạch mặt sau bàng quang.

Hệ thần kinh thuộc hệ thần kinh thực vật vùng chậu, có chủ yếu ở cổ trong và phần ngoại vi sâu ở cổ ngoài.

Cổ tử cung được bao phủ bởi hai lớp thượng mô: thượng mô gai cổ ngoài và thượng mô trụ cổ trong.

Thượng mô gai cổ ngoài nhạy cảm với các nội tiết tố steroid. 17b-estradiol kích thích sự tăng sản, sự trưởng thành và sự tróc các tế bào. Tế bào được thay thế mỗi bốn đến sáu ngày. Progesterone ức chế sự trưởng thành tế bào và làm tế bào tróc ra chậm.

Thượng mô gai gồm nhiều lớp tế bào:

Lớp đáy với các tế bào vuông, nhân bầu dục lớn, có trục thẳng đứng với màng đáy.

Lớp cận đáy với vào lớp tế bào bầu dục hay đa diện, đường kính 15-25 micrômét, tế bào này nối với tế bào kia bằng các cầu liên bào và bắt đầu có tạo glycogen. Hai lớp đáy và cận đáy ái kiềm và có phân chia tế bào.

Lớp gai Malpighi gồm 6-12 lớp tế bào sáng, bào tương nhiều, chứa glycogen, có cầu liên bào rõ rệt, là lớp chủ yếu.

Lớp bề mặt với nhiều lớp tế bào dẹt, nhiều bào tương, đường kính đến 50 micromét, nhân vón, nhỏ. Bào tương ái toan, ưa eosin, chứa nhiều glycogen. Các tế bào trên cũng có thể chứa những keratinosomes là chất tiền keratin.

Thượng mô gai cổ ngoài bình thường rất giàu glycogen và có màu nâu sậm khi được phết với dung dịch iod. Đó là xét nghiệm Schiller. Các ổ tăng sản tế bào và bạch sản không ăn màu iod vì không chứa glycogen.

Thượng mô cổ ngoài cũng thay đổi theo chu kỳ kinh nguyệt: tăng sản, trưởng thành và tróc đi.

Thượng mô trụ lót kênh cổ tử cung và các khe tuyến, gồm một lớp tế bào trụ cao, nhân nằm ở đáy, bào tương có nhiều chất nhầy ưa phẩm nhuộm alcian blue. Thượng mô nhầy thuộc loại đỉnh tiết.

Thượng mô trụ cũng thay đổi theo chu kỳ kinh nguyệt, nhân ở giữa tế bào trong giai đoạn phát triển, ở đáy tế bào trong đầu giai đoạn chế tiết.

Chất tiết nhầy nhiều, lỏng, có thể làm tăng pH âm đạo. Bình thường, âm đạo có pH acid (4-5,5) trong giai đoạn phát triển, sau rụng trứng, chất nhầy ít đi, đặc quánh và chứa nhiều bạch cầu.

Sự tái tạo các tế bào trụ xảy ra liên tục từ các tế bào dự trữ. Mô đệm cổ trong cổ tử cung có thể có các đám nêvi-bào chứa mêlanin và các thực bào ăn mêlanin.

Lúc có thai, các khe tuyến phát triển nhiều và sau sinh có thể thoái triển hình thành nang còn gọi là trứng Naboth.

Ở người sinh nhiều con, các khe tuyến có thể xuống sâu đến 9mm.

Vùng tiếp giáp gai-trụ là nơi thượng mô trụ giao tiếp với thượng mô gai.

Vị trí vùng tiếp giáp gai-trụ thay đổi theo tuổi.

Vùng biến đổi hay tiếp giáp trụ gai có thể đột ngột hoặc kéo dài 2 đến 4 mm, với lớp thượng mô gai bề mặt và các tuyến nhầy và nang Naboth ở dưới mô đệm.

A.D lớp YTCC - K4 Y thái bình

Có thể bạn quan tâm