TRA CỨU THÔNG TIN DƯỢC TÍNH THUỐC ↑

Lạm dụng rượu tâm lý dị thường


Căn bệnh viêm não Wernicke do thiếu sinh tố B (thiamine), hiện tượng thường gặp ở những người nghiện rượu nặng như một hậu quả của chế độ ăn kém, và kết quả từ những biến đổi thoái hóa và sự chảy máu nhỏ ở trong não.

Thông tin chung

Rượu là một chất gây nghiện hợp pháp. Uống đến mức độ vừa phải, một vài loại rượu như rượu vang đỏ, có thể có lợi cho sức khỏe. Nhưng việc dùng rượu quá mức lại là có hại. Định nghĩa thế nào là tiêu thụ rượu thái quá không phải là điều đơn giản. Và những thay đổi trong văn bản về sức khỏe của chính phủ Anh năm 1995 là một minh chứng cho điều đó. Từ năm 1986 đến năm 1995, giới hạn cho việc tiêu thụ rượu hàng tuần cho đàn ông là 21 đơn vị hoặc ít hơn, và với phụ nữ là không quá 14 đơn vị. Vào năm 1995, một ủy ban chính phủ được thiết lập đã tăng mức dùng rượu tương ứng lên 28 và 21 đơn vị mỗi tuần. Sự thay đổi này đã gây ra một cuộc tranh cãi và rất nhiều phê bình của những chuyên gia về rượu, đặc biệt khi họ (uỷ ban) đã không dựa trên bất kỳ một nghiên cứu cũng như bằng chứng mới nào (xem British Medical Journal, số 293). Kết quả là rất nhiều hãng rượu cũng như các hãng quảng cáo về y tế đã buộc phải chấp nhận những hướng dẫn này cùng với một văn bản thiếu tính rõ ràng về giới hạn dùng rượu.

Tình trạng ngộ độc cấp có thể gây ra những hành vi nguy cơ hoặc những hành vi khác có thể gây hại cho bản thân và người khác. Có khoảng 20% của các trường hợp nhập viện với vấn đề về tâm thần, 60% những trường hợp tự sát, 40% của những thảm họa bạo hành gia đình và 15% trường hợp chết do tai nạn giao thông ở Anh có liên quan đến việc dùng rượu (Đại học hoàng gia các nhà tâm thần học - Royal College of Psychiatrists 1986, Edwards và cs. 1994). Những mối nguy hiểm lâu dài bao gồm vấn đề về sức khỏe thể chất như bệnh xơ gan, chứng tăng huyết áp và những bệnh ung thư khác nhau. Việc dùng rượu quá mức trong một thời gian dài cũng có thể là nguyên nhân của các vấn đề về thần kinh.

Bệnh viêm não Wernicke do thiếu sinh tố B (thiamine), hiện tượng thường gặp ở những người nghiện rượu nặng như một hậu quả của chế độ ăn kém, và kết quả từ những biến đổi thoái hóa và sự chảy máu nhỏ ở trong não. Những hội chứng của nó bao gồm sự giảm trí nhớ, thất điều và nhớ bịa. Nếu không được chữa trị, điều này có thể dẫn tới một rối loạn nặng hơn như hội chứng Korsakov. Rối loạn không hồi phục này chiếm tới 5% số người nghiện rượu nặng và bao gồm quên nghịch và quên thuận. Quên thuận thường là những vấn đề nổi bật nhất, và các cá nhân sống bằng “Từng giây từng phút” ở hiện tại, thường là nhớ bịa với cố gắng là có thể thay thế được trí nhớ mà họ không thể níu giữ lại được.

Nghiện rượu thường là điểm kết cho sự tiến triển từ việc uống rượu mang tính quan hệ, xã giao đến việc uống rượu khi gặp khó khăn, đau khổ, tới việc tăng nhu cầu uống rượu để đương đầu với những vấn đề xã hội, tâm lí hoặc để tránh sự sốc của hội chứng cai. Trong giai đoạn đầu của sự phụ thuộc, mỗi cá nhân có thể cần đến một li rượu vào bữa trưa để làm dịu đi cảm giác khó chịu. Một khi họ trở nên phụ thuộc hơn, họ có thể cần đến một li vào buổi sáng sớm hoặc trong đêm để tránh trạng thái cai. Nhịn rượu trong vòng 3 đến 4 giờ trở nên vô cùng khó khăn. Trạng thái cai gây ra rất nhiều triệu chứng khác nhau, bao gồm run, buồn nôn và nôn, toát mồ hôi và rối loạn khí sắc. Sảng là thành phần nhiều nhất trong trạng thái cai. Nó thường bắt đầu trong vòng 3-4 ngày ngừng dùng rượu và kéo dài trong khoảng 2-3 ngày, bao gồm giảm ý thức, suy giảm trí nhớ, mất ngủ và ảo thị hoặc ảo thanh gây sợ hãi.

Câu chuyện của Anne là điển hình về những người phụ nữ dùng rượu quá mức:

Tôi bắt đầu uống rượu từ năm 18 tuổi. Lúc đó tôi đang học đại học và như những người khác, chúng tôi uống rượu táo và các loại rượu bia nhẹ vào cuối tuần. Tôi gặp bạn trai đầu tiên của mình ở chỗ uống rượu năm tôi 22 tuổi. Chúng tôi tham gia vào một đám đông uống rượu, và vì thế chúng tôi bắt đầu uống nhiều hơn. Anh ấy luôn là người nghiện nặng hơn tôi rất nhiều. Và thông thường, như một hậu quả của việc nghiện rượu, anh ấy trở nên bạo lực hơn và thường xuyên gây gổ với tôi mỗi lần uống rượu xong. Cũng do vậy tôi bắt đầu uống nhiều hơn để tham gia cùng anh ấy, để duy trì mọi việc. Cuộc hôn nhân đầy bạo lực của tôi khiến tôi nghĩ về thời thơ ấu của mình một thời gian dài bất ổn và không hạnh phúc với rất nhiều lí do khác nhau và càng nghĩ về điều đó, tôi lại càng uống nhiều hơn. Trong thời gian này, tôi uống khoảng 2 chai rượu mỗi đêm. Uống rượu giúp tôi ứng phó được với cuộc hôn nhân và hồi ức về thời thơ ấu của mình. Và điều đó đương nhiên cũng làm cho mọi thứ trong mối quan hệ càng trở nên tồi tệ hơn.

Vào thời gian tôi 28 - 29 tuổi, mối quan hệ đổ vỡ, và việc uống rượu của tôi giảm đi chút ít, nhưng không đáng kể. Và rồi một đêm, một người ở hộp đêm đưa tôi về nhà và anh ta đã cưỡng hiếp tôi một cách thô bạo. Tôi lại dùng rượu nhiều hơn. Tôi đã cảm thấy như mình không thể ra khỏi nhà. Tôi sợ hãi và cảm giác bị mắc bẫy. Tôi mất công việc của một cán sự chăm sóc trẻ em và rồi tôi chẳng có gì để tiếp tục sống nữa, vì thế tôi cứ uống rượu suốt cả ngày, từ ngày này qua ngày khác. Lúc này, tôi uống 2 chai rượu và có lẽ là một bình rượu táo mỗi ngày.

Mọi việc cứ duy trì như thế trong vòng 6 tháng hoặc lâu hơn, khi tôi gặp người bạn trai tiếp theo và tôi bắt đầu uống ít hơn. Tôi cố gắng tìm một việc khác. Nhưng sự nghiện ngập vẫn luôn ở đó. Tôi đã cố gắng để tìm một công việc khác, công việc của một phụ tá chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi. Tôi đã có con nhưng mọi thứ chẳng bao giờ là tốt trong một  mối quan hệ cả, tôi cho là như thế.

Trong suốt 20 năm qua, mọi thứ vẫn cứ như thế. Tôi uống rượu suốt ngày thỉnh thoảng nhiều hơn, cũng có khi ít hơn. Uống rượu giúp tôi quên đi những vấn đề của mình và đi vào trạng thái lãng quên khi đó mọi thứ như bị khóa chặt bên ngoài cuộc đời tôi. Và có rất nhiều thứ cần được khóa chặt như thế. Tôi đã nghĩ mình là một người mẹ cũng tốt có thể không phải là người mẹ tốt nhất nhưng cũng ổn. Nhưng con trai tôi không muốn thấy tôi nữa. Bạn trai của tôi cũng đã bỏ tôi từ lâu. Tôi cũng đã có nhiều công việc, nhưng cũng đã bỏ không ít, và công việc gần đây nhất mà tôi làm đã cách đây 8 năm rồi.

Tôi cảm thấy tội lỗi về việc nghiện rượu của mình. Tôi chưa bao giờ thực sự sống vì gia đình mình -tôi chỉ suốt ngày say xỉn. Tôi cho rằng nếu bạn là một người luôn say xỉn dù chẳng bao giờ gây ồn ào bạn vẫn không thể cố gắng hết sức mình được.  Bây giờ, tôi chỉ ở trong nhà. Tôi xấu hổ khi đi chợ mọi người đều nhìn ngó và nói về tôi. Tôi cảm thấy họ đang nhìn tôi và phán xét. Tôi không cảm thấy dễ chịu mỗi lần uống rượu nhưng nhờ nó, tôi lại được sống với sự lãng quên. Tôi chỉ ngồi đó hoặc nằm trên giường cả ngày. Cứ mở mắt ra là tôi lại uống rượu ngay tôi phải kiểm soát trạng thái run rẩy của mình.

Tôi muốn ngưng không dùng rượu nữa. Tôi cảm thấy tuyệt vọng về cái vòng tròn luẩn quẩn mà tôi đã mắc phải dường như không có đường ra. Tôi cố gắng tôi làm tất cả những điều đúng từ việc đổ rượu đi, tìm đến bác sĩ để được giúp đỡ, v..v.. Nhưng khi tôi dừng uống rượu, tôi bị những cơn đau bụng dữ dội. Tôi run rẩy. Tôi đau đầu. Tôi có những hoang tưởng rằng mọi người đều đang nói chuyện về mình. Tôi không thể chịu được những cảm giác khi cai và tôi lại kết thúc bằng việc dùng lại rượu.

Kể từ khi kể câu chuyện của mình, Anne đã phải điều trị nội trú giải độc và tham gia chương trình 6 tháng bao gồm cả trị liệu tâm lí thăm dò và chương trình hành vi nhận thức phòng ngừa tái phát. Vào thời điểm bài viết này được công khai thì mọi việc của bà đã trở nên ổn.

Nguyên nhân của lạm dụng rượu

Nhiều người uống rất nhiều rượu trong nhiều năm mà không bị phụ thuộc vào nó. Hầu hết mọi người giảm dần việc uống rượu khi trưởng thành hơn. Những người đàn ông trẻ tuổi uống rất nhiều rượu khi còn độc thân nhưng có thể điều chỉnh lại việc đó khi họ kết hôn, có con, v..v.. Do vậy bất kỳ sự giải thích những vấn đề nào liên quan đến dùng rượu cần phải giải thích những yếu tố trong giai đoạn đầu uống rượu cũng như tại sao một vài người vẫn tiếp tục uống rượu và rồi trở nên lạm dụng nó. Mô hình tâm - sinh - xã hội tỏ ra hợp lí nhất khi có thể giải thích tại sao có những người lại có xu hướng phụ thuộc rượu hơn những người khác, cũng như những yếu tố xã hội và tâm lí có thể độc lập hoặc kết hợp mà cùng dẫn tới trạng thái này.

Những yếu tố di truyền

Có một vài bằng chứng về tố bẩm trong vấn đề về rượu. Prescott và Kendler (1999) đã thông báo tỉ lệ cùng có “Sự tiêu thụ rượu cao trong cả cuộc đời” ở trẻ sinh đôi cùng trứng 47% và 32% ở trẻ sinh đôi khác trứng. Những nghiên cứu về việc nhận con nuôi cũng đã chỉ ra rằng con nuôi có cha mẹ đẻ nghiện rượu có tỉ lệ mắc các vấn đề về rượu cao hơn những đứa trẻ mà cha mẹ bình thường (Cadoret và cs. 1995).

Điều này không đòi hỏi nhất thiết phải chỉ ra một gen về nghiện rượu: Vấn đề về rượu có thể là cái thứ cấp cho những nét trung gian về gen bao gồm những vấn đề về cảm xúc hoặc kiểm soát xung năng kém.  Tuy nhiên, cũng có bằng chứng gián tiếp ám chỉ một hoặc nhiều gen cụ thể liên quan đến việc phụ thuộc rượu. Schuckit và cs. (1996) nhận thấy rằng những cá nhân từ những gia đình có mức độ dùng rượu cao có đáp ứng sinh lí với rượu thấp hơn so với nhóm đối chứng. Điều này có thể dẫn đến tình trạng tệ hơn, dễ nghiện nặng hơn. Cũng như thế, những người với lịch sử gia đình về nghiện rượu thường dễ dàng cảm thấy bớt lo âu nhiều hơn so với bình thường sau khi uống rượu (Finn và cs. 1992). Một lần nữa, điều này được xem như đã củng cố việc uống rượu. Một quá trình di truyền tiềm năng thông qua gen tiếp nhận dopamine D2. Một biến thể của tiếp nhận dopamine D2 như DRD2, D2A1 đã được tìm thấy nhiều hơn ở những cá nhân phụ thuộc vào rượu (Lawford và cs. 1997). Điều này có thể dẫn đến một nguy cơ chung cho sự phụ thuộc, khi nó cũng được tìm thấy ở những người nghiện đánh bạc hoặc ma túy.

Yếu tố sinh học

Những yếu tố sinh học liên quan đến sự phụ thuộc rượu thường được xem xét dưới dạng hậu quả của việc dùng rượu trong một thời gian dài. Rượu làm tăng họat động của GABA trong hệ thống thần kinh giao cảm và điều khiển thân nhiệt, cảm giác đói, khát... giúp làm dịu khí sắc và hành vi. Qua thời gian, điều này dẫn tới việc giảm sự sản xuất tự nhiên của GABA, dẫn đến sự phụ thuộc vào rượu để duy trì những trạng thái cảm xúc mong muốn. Nhịn uống dẫn đến những mức độ cận tối ưu của GABA, làm tăng nỗi lo âu và sự kích động, và khởi phát những triệu chứng cơ thể về cai. Những cảm giác đó sẽ dịu đi nếu cơ thể  được nạp rượu, mà qua đó cơ thể đạt được mức độ trung bình của GABA.

Sự tiêu thụ rượu cũng gây nên một loạt các hiện tượng hóa học dẫn đến sự giải thoát dopamine trong khuôn khổ bù đắp hoặc trong “Trung tâm sảng khoái” của não: Một phức hợp những cấu trúc bao gồm hạch nền, đồi thị, vỏ não trán, hạnh nhân, và vùng dưới đồi... Khả năng của những sự kiện hàng ngày hoạt hoá hệ thống này bị giảm ở những người thường xuyên kích thích nó bằng rượu, và điều này lại dẫn đến tiếp tục phụ thuộc rượu nhằm duy trì được một trạng thái tâm lí mong muốn.

Những yếu tố văn hoá - xã hội

Rượu là một thức uống hợp pháp về mặt xã hội và sự tiêu thụ rõ ràng bị ảnh hưởng bởi yếu tố xã hội và yếu tố môi trường. Bắt đầu uống rượu được xem một bước chuyển từ tuổi thơ ấu sang tuổi trưởng thành, mặc dù điều này có thể xảy ra khá sớm trong cuộc đời: 1/3 số trẻ 13-14 tuổi ở Anh đã uống rượu hơn một lần (Sutherland và Wilner 1998). Việc dùng rượu sớm ở những người trẻ tuổi liên quan đến thái độ tích cực đối với việc uống rượu, nhiều trường hợp có liên quan đến hành vi và thái độ của gia đình và anh em, bè bạn, và có thể là kết quả của hình ảnh tích cực về việc tiêu thụ rượu trên tivi, phim ảnh, v..v.. (xem Bennett và Murphy 1997). Những yếu tố xã hội ảnh hưởng đến việc bắt đầu tiêu thụ rượu. Ví dụ, việc mua bán qua lại có thể tăng sự tiêu thụ ở những người trẻ tuổi, mà với họ rượu thường liên quan đến các hoạt động xã hội và của nhóm. Những chuyển biến trong cuộc đời, cả tốt lẫn xấu đều ảnh hưởng đến sự tiêu thụ rượu: Sự phát triển các mối quan hệ và gia đình, hoặc tìm được một việc làm và duy trì được công việc đó có thể hạn chế việc dùng rượu. Những sự kiện bất lợi trong cuộc sống có thể làm tăng việc dùng rượu, đặc biệt ở những người thường uống rượu để giải sầu (Perreira và Sloan 2001).

Sự phổ biến của những vấn đề về rượu rõ ràng rất đa dạng ở những nhóm văn hóa và xã hội khác nhau. Đàn ông thường nghiện nặng và uống nhiều hơn so với phụ nữ. Công nhân áo cổ xanh uống nhiều hơn công nhân áo cổ trắng bởi họ uống rượu như một phần trong công việc của mình. Những cuộc chè chén say sưa thường thấy nhất nơi những người trẻ tuổi, các cuộc tụ tập của đàn ông và nhóm những người thu nhập thấp và ít trình độ hơn (Hemmingsson và cs. 1997).

Những yếu tố tâm lí

Những lí giải theo trường phái hành vi của việc tiêu thụ rượu xem nó như kết quả của điều kiện hóa quan sát được và điều kiện hóa kinh điển. Uống rượu đem lại khoái cảm có thể là về sinh lí, xã hội hoặc sự giảm nhẹ sau một sang chấn. Một khi một cá nhân đã trở nên phụ thuộc hơn vào rượu thì một động lực xa hơn để tiếp tục uống rượu là để tránh các triệu chứng cai. Điều kiện hóa kinh điển có thể xảy ra khi việc uống có liên hệ với những sự kiện hoặc gợi nhớ cụ thể, nguy cơ phải đối mặt với những điều đó có thể lại là châm ngòi cho việc uống tiếp theo (Wilson 1988).

Những ý nghĩ về rượu, được biết như những ý nghĩ nghiện ngập (Beck và cs. 1993), là những yếu tố chủ đạo cho sự tiêu thụ ở tất cả các thời kì uống rượu. Khi bắt đầu dùng rượu, những ý nghĩ tích cực như “Khi say có nhiều chuyện hay lắm” chiếm ưu thế. Khi cá nhân bắt đầu dựa dẫm vào rượu để chống lại những cảm giác về stress âm tính, những suy nghĩ theo hướng làm cho mọi việc nhẹ nhàng hơn (“Tôi cần phải uống cho qua ngày”) là lí do chủ đạo. Những ý nghĩ nghiện ngập thường được đi kèm bởi một số lượng lớn những ý nghĩ tiêu cực, bao gồm hình ảnh âm tính về bản thân, về môi trường và hoàn cảnh sống của người đó có thể dẫn đến trầm cảm hoặc lo âu. Cả ý nghĩ nghiện ngập và âm tính đều có thể được gợi ra bởi các sự kiện bên ngoài như đi ngang một quán bar hoặc cảm giác chủ quan như các trạng thái tâm lí trái ngược nhau.

Can thiệp trong tiêu thụ rượu quá mức

Phòng ngừa: Tiếp cận văn hóa - xã hội

Theo tiếp cận phòng ngừa việc tiêu thụ rượu quá mức, kiểm soát việc uống rượu quá mức nếu có tác dụng đến tất cả mọi người cũng sẽ có tác dụng tới những người nghiện nặng hoặc có các vấn đề về rượu. Do vậy tiếp cận phòng ngừa tập trung vào tất cả những người uống rượu hơn là với những người uống quá nhiều. Tiếp cận này thường cố gắng thay đổi nội dung và luật lệ liên quan đến việc tiêu thụ rượu. Rất nhiều trường hợp đã thành công. Những luật về việc lái xe khi uống rượu và các quảng cáo liên quan rõ ràng đã giảm con số vụ tai nạn có liên quan đến rượu và khiến cho việc lái xe khi uống rượu trở nên khó chấp nhận hơn nhiều (xem Wagenaar và cs. 1995). Một sự đối lập rõ ràng với những cố gắng kiểm soát việc uống rượu được tìm thấy trong bộ luật đã dung túng việc tiêu thụ rượu bằng cách kéo dài thời gian cho phép uống rượu. Tuy nhiên điều này có vẻ như không làm tăng lượng rượu tiêu thụ, thậm chí những trường hợp uống say bí tỉ lại ít đi bởi áp lực phải uống rượu nhanh chóng trước thời gian đóng cửa đã bị giảm (Bruce 1980).

Chứng nghiện rượu với vấn đề uống rượu

Có một sự khác biệt rõ rệt giữa quan niệm của các nhà thực hành khác nhau về bản chất và trị liệu những vấn đề liên quan đến rượu và thuật ngữ mà họ dùng. Một vài người xem cái mà họ gọi là “Nghiện rượu” là bệnh cơ thể. Can thiệp dựa vào cách tiếp cận này thường bằng thuốc hoặc những chương trình hoàn toàn không uống rượu, dạng như chương trình của Hội những người không uống rượu (AA). Những người khác lại xem cái mà họ gọi là “Uống rượu có vấn đề” là kết quả của những yếu tố tâm lí và xã hội và tranh luận rằng hầu hết mọi người có thể học cách uống rượu một cách thích hợp và điều độ. Một điều thú vị là có sự phân hoá rõ rệt ở phía bên kia Đại Tây dương về vấn đề này. Hầu hết những nhà thực hành ở Mỹ tán thành mô hình y học, kiêng rượu hoàn toàn; trong khi đó các chuyên gia Châu Âu lại chọn mô hình tâm lí xã hội kiểm soát việc uống rượu (Peele 1992). Những người ủng hộ cách thứ hai (ví dụ như Heather 1995) cho rằng nhiều người uống rượu có tính vấn đề có thể chấp nhận sự hạn chế uống, nhiều người khác không chấp nhận bỏ rượu hoàn toàn. Những cố gắng về bỏ uống hoàn toàn  có thể gây ra rất nhiều vấn đề chứ không phải chỉ là một vài vấn đề như một số người nghĩ. Đã có những nghiên cứu thử nghiệm đề nghị những người phụ thuộc rượu lựa chọn giữa việc uống rượu có kiểm soát hoặc nhịn uống hoàn toàn (Booth và cs. 1992) và cả 2 nhóm đều đạt được kết quả tốt. Như vậy mục tiêu trị liệu hiệu quả nhất là thân chủ sự lựa chọn chứ không phải do nhà trị liệu.

Cai nghiện

Trong giai đoạn đầu của trị liệu những người có các vấn đề về rượu có thể xuất hiện trạng thái cai. Trạng thái này có thể kéo dài tới 3 hoặc 4 ngày, và cần phải dùng thuốc an thần như valium để làm giảm nhẹ các triệu chứng cai. Những người có trạng thái cai có thể được can thiệp bằng một trong các biện pháp được mô tả dưới đây.

Trị liệu bằng thuốc

Antidipstrotrophics có tác dụng ngăn cản việc uống rượu bằng việc gây ra ở người uống một cảm giác rất mệt mỏi, khó chịu nếu họ uống rượu. Loại thuốc thường được dùng nhiều nhất ở dạng này là disulfram (antabuse).Thuốc ngăn ngừa quá trình phân huỷ rượu do vậy những sản phẩm chuyển hoá trung gian sẽ tích tụ lại và gây ra những triệu chứng như mệt mỏi, đau đầu, đánh trống ngực, buồn nôn đôi khi có nôn chỉ khoảng 20 phút sau uống rượu. Bệnh nhân có thể được đưa cho một test phản ứng với rượu để cảnh báo họ về hậu quả của việc uống rượu. Lợi ích của disulfram phụ thuộc vào việc dùng nó thường xuyên. Khi được củng cố,   dường như xuất hiện một rào chắn hiệu quả ngăn ngừa uống rượu. Nó sẽ kém hiệu quả hơn khi được dùng tự nguyện (Hughes & Cook, 1997). Việc dùng của nó rõ ràng thủ theo mô hình sinh học, nhịn uống. Tuy nhiên cũng đã có một vài nghiên cứu đã đánh giá hiệu quả của những loại thuốc tương tự trong các chương trình có chấp nhận cho người tham gia có thể uống thi thoảng.

Tiếp cận 12 bước

Tiếp cận 12 bước là một chương trình điều trị của AA. Nó dựa trên quan niệm rằng nghiện rượu là bệnh cơ thể, tâm lí và tinh thần mà không thể chữa khỏi nhưng có thẻ kiểm soát được bằng chế độ nhịn uống hoàn toàn. Tổ chức này cung cấp một mạng lưới hỗ trợ xã hội mạnh mẽ khuyến kích sự bộc lộ cảm xúc và chấp nhận thất bại. Những người tham dự vào các buổi làm việc nhóm được động viên để chấp nhận rằng họ không có khả năng để kiểm soát việc uống rượu, để ngừng cuộc chiến của họ và cho phép “Một sức mạnh lớn hơn” kiểm soát (Gorski 1989).

Hàng triệu người tham dự vào các buổi gặp của AA trên thế giới chứng nhận lợi ích tiềm năng của cách tiếp cận này. Tuy nhiên các cứ liệu thực nghiệm cũng trái ngược nhau. Trong một siêu phân tích những nghiên cứu cho đến giữa những năm 90, Kownacki và Shadish (1999) kết luận rằng việc tham dự vào các buổi gặp mặt AA cho một lợi ích rất nhỏ so với việc nhịn uống và rằng một vài nghiên cứu cho thấy thậm chí còn kém hiệu quả hơn không điều trị hoặc những điều trị khác. Tuy nhiên, những kết quả kém một cách đặc biệt trong nghiên cứu của họ là ở giữa những người bị  cưỡng bức tham gia vào AA. Timko và cs. (2000) thông báo những kết quả khả quan hơn. Họ đã so sánh kết quả ở những người tự nguyện tham gia vào AA hoặc những chương trình trị liệu chính thức khác bao gồm trị liệu tại nơi cư trú, về tâm lí hay trị liệu tâm thần. Sau một năm theo dõi sau trị liệu, 56% những người tham gia vào AA uống rượu một cách hợp lí hơn so với 33% những người đã tham gia vào những hình thức can thiệp khác. Và sau 3 năm theo dõi, con số lên tới 64% so với 43% tương ứng. Điều này chỉ ra rằng cho dù AA tuân theo mô hình bỏ uống hoàn toàn, nhiều người khi tham gia vào cách tiếp cận này dường như học cách uống rượu trong giới hạn hợp lí.

Tiếp cận hành vi - nhận thức

Nhiều cách tiếp cận phản cảm đã được dùng trong điều trị những vấn đề liên quan đến rượu, bao gồm việc xuất hiện các kích thích liên quan đến rượu cùng lúc với các cú sốc điện nhẹ hoặc tiêm succinylcholine gây ra cảm giác ngạt thở. Những phương pháp này, ở mức độ tốt nhất, đã chứng tỏ hiệu quả nhất định trong thời gian ngắn (nhưng không dài) và hiện nay được xem như có vấn đề về đạo đức. Nhiều chương trình hành vi nhận thức gần đây bao gồm việc luyện tập những kĩ năng xã hội và chiến lược trong việc tránh tái phát (xem Longabough và Morgenstern 2000). Những kĩ năng xã hội luyện tập bao gồm dạy kĩ năng giao tiếp và kĩ năng đánh giá để giúp những người tham gia đương đầu hiệu quả hơn với những tình huống gây stress, từ chối uống rượu, v..v... Trong chương trình phòng ngừa tái phát, những tình huống có nguy cơ cao được xác định và cá nhân phát triển và tập dượt những chiến lược cụ thể để giúp họ đương đầu với chúng. Những điều này bao gồm các chiến lược thách thức ý nghĩ nghiện ngập và đương đầu với việc nài ép uống rượu.

Tái phát thường liên quan đến những vấn đề hôn nhân và được phòng tránh bởi quan hệ hôn nhân chặt chẽ. Với lí do này, một số chơng trình liên quan đến bạn đời của những người có vấn đề với rượu. O’Farrell và Fals-Steward (2000) đã miêu tả một can thiệp nhằm tăng kĩ năng giao tiếp và giải quyết vấn đề của các cặp vợ chồng hơn là chỉ với cá nhân. Cả người nghiện rượu và bạn đời của họ đều học những chiến lược để giảm việc uống rượu, bao gồm việc thay đổi hành vi có thể thúc đẩy việc uống rượu ở những người bạn đời, tìm những cách thức mới để thảo luận việc uống rượu và những tình huống liên quan đến nó và những đáp ứng mới đối với việc uống rượu của bạn đời. Một kiểu trị liệu khác lại tập trung vào kiểu hình và chất lượng giao tiếp giữa hai vợ chồng. Trong báo cáo của họ về hiệu quả của cách tiếp cận này, O’Farrell và Fals-Steward (2000) đã kết luận rằng nó có hiệu quả ổn định và cao hơn so với trị liệu cá nhân về việc điều chỉnh mức uống rượu, bỏ uống, những vấn đề liên quan đến rượu và chất lượng của các quan hệ hôn nhân.

Những trị liệu ngắn

Một số người uống rượu có vấn đề có thể được giúp đỡ bởi những can thiệp tưong đối ngắn gọn. Chick (1991) cho rằng bệnh nhân nội trú có thể được động viên để tăng cường thể lực chung và sàng lọc bệnh nhân dùng rượu ở mức độ cao. Những người có các vấn đề liên quan đến rượu được phân công một cách ngẫu nhiên vào nhóm không có can thiệp gì hoặc nhóm tham vấn cá nhân và được phát một quyển sách nhỏ ghi chi tiết cách giảm uống rượu. Một năm sau, việc uống rượu giảm xuống ở những người tham gia các nhóm can thiệp hơn là những người không nhận bất kì một sự can thiệp nào. Một can thiệp cơ hội tương tự được Monti và cs. (1999) thông báo. Các tác giả đã tiến hành đánh giá hiệu quả của một can thiệp được thiết kế để làm tăng động cơ hạn chế uống rượu ở thanh thiếu niên được chữa trị ở khoa cấp cứu sau tai nạn liên quan đến rượu. ở những người nhận sự can thiệp này, tỉ lệ uống rượu và lái xe, vi phạm giao thông, bị thương và các vấn đề do rượu thấp hơn rõ rệt so với những người không có can thiệp nào ở năm tiếp theo.

Can thiệp của Monti và cs. (1999) được biết như sự phỏng vấn động cơ (Miller & Rollnick 2002). Mục tiêu ban đầu đầu là khích lệ các cá nhân khám phá cả những ý nghĩ tích cực và tiêu cực về một hành vi hoặc sự thay đổi hành vi cụ thể. Quá trình này nhằm khởi động một trạng thái bất đồng nhận thức thức. Trong trạng thái này, cá nhân chủ động xem xét hai hệ thống niềm tin và thái độ trái ngược nhau, hướng đối với một vấn đề cụ thể (trong trường hợp này, xem xét ‘cái tốt’ và ‘cái không tốt lắm’ trong uống rượu). Theo lí thuyết sự trái ngược về nhận thức, đây là một trạng thái đối lập, đòi hỏi phải có sự hoạt động của nhận thức để làm giảm sự khó chịu. Điều này có thể dẫn đến một sự loại bỏ những lí do mới đựơc xem xét hoặc chấp nhận những ý nghĩ và hành vi mới trong trường hợp này là hạn chế uống rượu.

Cách tiếp cận này, hoặc là một cuộc phỏng vấn chỉ diễn ra một lần, hoặc là một phần của can thiệp mở rộng, đã tỏ ra có hiệu quả trong việc giảm lượng rượu uống ở những người uống rượu có vấn đề. Sellman và cs. (2001) đã so sánh những hiệu quả của trị liệu động cơ, phản xạ nghe không định hướng, và và không can thiệp trị liệu kiểm soát đối với những người uống rượu có vấn đề. Mục tiêu của trị liệu là uống có kiểm soát và kết quả là tần suất uống say xỉn. Trong 6 tháng sau can thiệp, 43% người trị liệu động cơ vẫn tham gia các cuộc chè chén say sưa, so với 63% ở những nhóm khác.

Dự án MATCH

Mặc dù có sự khác nhau trong quan điểm và chiến lược trị liệu có khác nhau song hiệu quả của các cách tiếp cận lại rất giống nhau. Cuộc thử nghiệm trị liệu lớn nhất có hơn 1.500 người tham gia (nhóm nghiên cứu dự án MATCH 1998), đã tìm thấy vài sự khác biệt về hiệu quả ở những can thiệp khác nhau, bao gồm cả tiếp cận nhận thức - hành vi, tiếp cận 12 bước và tiếp cận động cơ. Sau 1 năm theo dõi, 35% trong số tất cả những người tham gia thông báo là đã bỏ được rượu; hơn 25% không uống rượu quá nhiều vào 2 ngày liên tiếp. Điều này cho thấy đã đạt được một mức độ nào đó về sự kiểm soát uống rượu. Kết quả theo dõi sau 1 năm và 3 năm, một lần nữa cho thấy   không có sự khác biệt giữa ba nhóm can thiệp. Tuy nhiên, những người sống trong môi trường xã hội có nhiều người hay uống rượu đạt được kết quả tốt hơn trong can thiệp 12 bước. Người ta cũng chưa rõ tại sao các trị liệu khác nhau lại có kết quả giống nhau. Có thể những can thiệp này diễn ra theo cơ chế cơ chế giống nhau. Ví dụ, can thiệp 12 bước có thể thay đổi ý nghĩ nghiện ngập và tăng kĩ năng từ chối uống rượu cũng giống như hiệu quả của thảo luận nhóm trong AA, còn trong can thiệp nhận thức - hành vi những kĩ năng được dạy trực tiếp hơn.

A.D lớp YTCC - K4 Y thái bình

Có thể bạn quan tâm