TRA CỨU THÔNG TIN DƯỢC TÍNH THUỐC ↑

Sinh lý thần kinh vùng dưới đồi


Vùng dưới đồi có chức năng chống bài niệu thông qua ADH (antidiuretic hormon), đây là một hormon do nhân trên thị và nhân cạnh não thất bài tiết, sau đó đưa xuống dự trữ ở thùy sau tuyến yên.

Đặc điểm cấu tạo

Vùng dưới đồi là một tập hợp nhiều nhân xám (khoảng 40 nhân) nằm ngay dưới đồi thị và xung quanh não thất III. Kích thước khoảng 1 cm3.

Các nơ ron cấu tạo vùng dưới đồi chia làm hai loại:

Nơ ron có chức năng dẫn truyền.

Nơ ron có chức năng bài tiết hormon.

Các nhân xám của vùng dưới đồi có thể chia làm 3 nhóm, mỗi nhóm có một số nhân chính sau đây:

Nhóm trước

Nhân cạnh não thất.

Nhân trên thị.

Nhân tréo thị.

Nhóm giữa

Nhân bụng giữa.

Nhân lưng giữa.

 Nhân phễu.

Nhóm sau

Nhân trước vú.

Nhân sau vú.

Nhân củ vú.

Chức năng của vùng dưới đồi

Vùng dưới đồi là một tổ chức thần kinh có chức năng quan trọng. Về mặt giải phẫu, nó liên quan chặt chẽ với các phần khác của hệ thần kinh và đặc biệt có mối liên hệ mật thiết với tuyến yên, một tuyến nội tiết rất quan trọng. Vì vậy, vùng dưới đồi đóng vai trò như một cầu nối trung gian giữa 2 hệ thống thần kinh và nội tiết để thống nhất chúng thành một hệ thống điều hòa chung đối với cơ thể.

Có thể xem vùng dưới đồi như là một nơi chuyển mã thần kinh - nội tiết.

Chức năng nội tiết (xem bài về nội tiết)

Chức năng sinh dục

Vùng dưới đồi đóng vai trò quan trọng trong việc điều hòa chức năng sinh dục. Trong thời kỳ bào thai (tuần thứ 7 - 12), nếu thai nhi là trai, androgen do tinh hoàn tiết ra sẽ biệt hóa vùng dưới đồi theo hướng “Đực”; nếu thai nhi là gái, không có androgen, vùng dưới đồi sẽ biệt hóa theo hướng “Cái”.

Từ giai đoạn dậy thì trở đi, tính chất “Đực”, “Cái” của vùng dưới đồi sẽ quyết định đặc điểm hoạt động của tuyến sinh dục:

Cái: Hoạt động có chu kỳ.

Đực: Hoạt động không có chu kỳ.

Chức năng thực vật

Vùng dưới đồi là trung tâm cao cấp của hệ thần kinh thực vật.

Phía trước: Trung khu của phó giao cảm. Trên thí nghiệm, khi kích thích vùng này có thể gây ngừng tim và chết.

Phía sau: Trung khu của giao cảm. Khi kích thích gây ra những biểu hiện cường giao cảm: Tim nhanh, giãn đồng tử...

Chức năng điều nhiệt

Phía trước của vùng dưới đồi là trung tâm chống nóng, khi kích thích vào vùng này sẽ gây những biểu hiện tăng thải nhiệt: Thở nhanh, ra mồ hôi, giãn mạch...

Khi thân nhiệt tăng sẽ kích thích vào trung tâm này.

Một số thuốc hạ nhiệt cũng có thể tác dụng thông qua cơ chế kích thích trung tâm chống nóng.

Phía sau của vùng dưới đồi là trung tâm chống lạnh, khi kích thích sẽ gây ra những biểu hiện tăng sản nhiệt và giảm thải nhiệt: Co mạch, tăng huyết áp, tim nhanh...

Chức năng chống bài niệu

Vùng dưới đồi có chức năng chống bài niệu thông qua ADH (antidiuretic hormon), đây là một hormon do nhân trên thị và nhân cạnh não thất bài tiết, sau đó đưa xuống dự trữ ở thùy sau tuyến yên. ADH có tác dụng làm tăng kích thước lỗ lọc ở ống lượn xa và ống góp để làm tăng tái hấp thu nước ở thận.

Khi nhân trên thị bị tổn thương, ADH giảm, làm giảm tái hấp thu nước ở ống thận, bệnh nhân đái rất nhiều (10 - 20 lít/ngày), tỉ trọng nước tiểu thấp và gọi là bệnh đái nhạt.

Chức năng điều hòa hoạt động của cơ tử cung và tuyến vú

Chức năng này thông qua hormon oxytocin do nhân cạnh não thất và nhân trên thị bài tiết, sau đó được đưa xuống dự trữ ở thùy sau tuyến yên.

Oxytocin có tác dụng làm co cơ tử cung và tăng bài xuất sữa.

Những kích thích ở cổ tử cung và núm vú sẽ có tác dụng làm tăng bài tiết oxytocin.

Chức năng dinh dưỡng

Vùng dưới đồi có các trung tâm có liên quan đến ăn uống:

Trung tâm no:

Nằm ở nhân bụng giữa. Trên thực nghiệm, khi kích thích trung tâm này, con vật trở nên chán ăn. Ngược lại, nếu phá đi, con vật ăn rất nhiều và trở nên béo phì. Khi nhân bụng giữa bị tổn thương, bệnh nhân ăn không biết no và bị chứng mập phì.    

Trung tâm khát:

Trên thực nghiệm, khi kích thích trung tâm này, con vật uống rất nhiều. Ngược lại, nếu phá đi, con vật không muốn uống, không ăn lỏng và cuối cùng bị chết khát.

A.D lớp YTCC - K4 Y thái bình

Có thể bạn quan tâm