TRA CỨU THÔNG TIN DƯỢC TÍNH THUỐC ↑

Thực hành chẩn đoán và điều trị viêm gan A


Khi HAV theo thức ăn hoặc nước uống xâm nhập vào cơ thể, chúng tập trung ở các tế bào gan và sinh trưởng cực nhanh. Từ đó, một số lớn vi khuẩn sẽ theo ống dẫn mật xuống đường ruột và theo phân đi ra ngoài.

Viêm gan A là loại bệnh truyền nhiễm phổ biến ở hầu hết các quốc gia trên thế giới. Đặc biệt, các nước nghèo hoặc đang phát triển có tỷ lệ mắc bệnh này vượt xa các nước phát triển. Tuy nhiên, ngay cả ở những nước phát triển thì hiện nay vẫn chưa khống chế được hoàn toàn sự lây lan của căn bệnh này. Nếu không có sự phòng ngừa hoặc kiểm soát kịp thời, viêm gan A rất dễ dàng bộc phát thành những vụ dịch lan tràn khắp vùng.

Đầu năm 1988, bệnh viêm gan A đột nhiên bộc phát nhanh chóng tại Thượng Hải. Trong vòng 2 tháng, hơn 300.000 người đã mắc bệnh.

Tại Hoa Kỳ, viêm gan A bộc phát thành dịch khoảng 10 năm một lần, và gần đây nhất là vào năm 1995 đã có hàng trăm ngàn người cùng lúc nhiễm bệnh chỉ trong vòng một vài tháng. Mỗi năm, tại Hoa Kỳ có khoảng từ 125.000 đến 200.000 người nhiễm bệnh này.

Nguyên nhân

Virus gây bệnh viêm gan A lần đầu tiên được nhận dạng vào năm 1973 và được gọi tên là Hepatitis A, thường gọi tắt là HAV (Hepatitis A virus). Virus này sinh trưởng nhanh và rất dễ lây lan trong môi trường, qua thức ăn, nước uống, các chất thải...

Virus gây bệnh viêm gan A có nhiều trong mồ hôi, nước bọt, nước tiểu, nhưng nhiều nhất là trong phân của người bệnh.

Trong tự nhiên, HAV hiện diện hầu như ở khắp nơi, nhưng nhiều nhất là ở những nơi có điều kiện vệ sinh môi trường kém.

Khi HAV theo thức ăn hoặc nước uống xâm nhập vào cơ thể, chúng tập trung ở các tế bào gan và sinh trưởng cực nhanh. Từ đó, một số lớn vi khuẩn sẽ theo ống dẫn mật xuống đường ruột và theo phân đi ra ngoài.

HAV có một lớp vỏ bọc rất kiên cố, có thể giúp chúng sống sót được trong nhiều năm với nhiệt độ lạnh đến âm 200C. Nếu bị làm khô đi, HAV vẫn có thể tiếp tục giữ nguyên vẹn trạng thái trong nhiều tuần.

Với sự tồn tại và lan truyền dễ dàng trong tự nhiên, các vùng bùn lầy nước đọng có thể là nơi tập trung HAV. Từ đó, chúng xâm nhập vào cơ thể các loài sinh vật sống ở đây và tồn tại trong đó. Khi con người bắt lấy các loài sò, ốc, tôm, cua... để ăn, có thể sẽ bị nhiễm HAV. Ngay cả việc tắm trong các ao hồ cũng có thể là nguyên nhân nhiễm bệnh.

Thức ăn nấu kỹ có thể diệt được HAV khá dễ dàng, vì chỉ cần nhiệt độ trên 850C kéo dài hơn một phút là chúng sẽ bị tiêu huỷ.

Nói tóm lại, các nguồn lây nhiễm chính của viêm gan A là nước uống không đun sôi, thức ăn không nấu chín hoàn toàn hoặc ăn sống như rau cải, trái cây, và tiếp xúc trực tiếp với người bệnh hoặc các đồ dùng của người bệnh có mang virus.

Khả năng lây lan chủ yếu của người mang virus là khoảng thời gian 2 tuần trước khi xuất hiện các triệu chứng. Vào giai đoạn hồi phục của bệnh nhân thì khả năng lây lan không còn nữa.

Chẩn đoán

Thời gian ủ bệnh thay đổi từ 15 – 50 ngày.

Phần lớn các trường hợp viêm gan A xuất hiện ở trẻ em thường không có triệu chứng. Đôi khi, người trưởng thành cũng có thể mắc bệnh mà không có hoặc có rất ít các triệu chứng.

Trong trường hợp phát triển các triệu chứng, những triệu chứng sau đây thường gặp nhất:

Cảm giác khó chịu đột ngột.

Sốt.

Buồn nôn.

Đau bụng.

Biếng ăn.

Tiêu chảy, phân có màu xanh.

Đau khớp.

Vàng da, vàng mắt (củng mạc).

Nước tiểu sậm màu.

Một số dấu hiệu khác có thể có

Lách to.

Gan mềm và khó sờ nắn.

Các triệu chứng trên thường rất nhẹ, thậm chí đôi khi rất dễ nhầm lẫn với một trường hợp cảm cúm. Vì thế, chẩn đoán xác định thường phải dựa vào một số xét nghiệm đặc trưng:

Xét nghiệm chức năng gan (LFT) khi có vàng da, sẽ thấy men ALT (Alanine amino transferase) và bilirubin tăng cao trong một thời gian ngắn. Nếu bệnh chuyển sang dạng tái phát (relapsing hepatitis), men ALT sẽ gia tăng và hạ thấp theo từng chu kỳ.

Xét nghiệm máu tìm kháng thể chống virus viêm gan A (HAV-IgM). Kháng thể này tăng cao trong vòng 7 – 10 ngày ở những trường hợp viêm gan A dạng ác tính (fulminant hepatitis).

Xét nghiệm nước tiểu có bilirubin, ngay cả trong các trường hợp không vàng da.

Công thức máu toàn bộ cho thấy có tăng lympho bào.

Nếu thời gian đông máu (Prothrombin time) gia tăng là dấu hiệu cho thấy có suy gan.

Chỉ có khoảng 0,3% số bệnh nhân viêm gan A có nguy cơ chuyển sang thể ác tính, với các dấu hiệu như:

Đau đầu.

Sốt cao, thân nhiệt thay đổi bất thường.

Nôn mửa và tiêu chảy.

Một số rất ít trường hợp chuyển sang thể vàng da ứ mật (cholestatic hepatitis). Trong những trường hợp này, bệnh nhân phát triển dấu hiệu vàng da, vàng mắt kéo dài từ 1 – 3 tháng, ngay cả khi xét nghiệm cho thấy men gan đã trở lại bình thường. Bệnh không đáng lo ngại, vì thường diễn biến theo chiều hướng tốt với sự hồi phục dần dần của bệnh nhân.

Điều trị

Không có thuốc đặc trị viêm gan A. Việc điều trị chủ yếu là theo dõi và kiểm soát các triệu chứng.

 Người bệnh cần được nghỉ ngơi nhiều. dùng thuốc giảm đau với liều thích hợp để làm giảm nhẹ các triệu chứng như đau cơ, khớp, đau bụng...

Trong hầu hết các trường hợp, bệnh kéo dài trong khoảng từ 2 – 14 ngày rồi tự khỏi. Các trường hợp chuyển sang thể ác tính thường kéo dài trong khoảng 3 – 6 tuần. Tuy nhiên, trạng thái mệt mỏi nói chung có thể kéo dài sau đó đến 2 – 3 tháng.

Hướng dẫn bệnh nhân chế độ dinh dưỡng hợp lý để tạo điều kiện hồi phục, đồng thời tuyệt đối không uống rượu ít nhất là trong vòng 6 tháng.

Bệnh nhân đã mắc bệnh viêm gan A một lần, sau khi khỏi bệnh sẽ có khả năng miễn dịch tự nhiên đối với bệnh này.

Chủng ngừa

Thuốc chủng ngừa viêm gan A hiện đã được dùng rộng rãi với hiệu quả cao, khả năng tạo miễn dịch kéo dài đến 7 – 8 năm hoặc có thể là suốt đời. Nguyên nhân duy nhất hạn chế việc dùng thuốc chủng ngừa cho tất cả mọi người chỉ là vấn đề chi phí. Trong điều kiện thực tế, khi chưa có khả năng tiêm chủng cho tất cả mọi người, các đối tượng sau đây cần được ưu tiên dùng thuốc chủng ngừa:

Trẻ em sinh trưởng ở những vùng có nguy cơ nhiễm bệnh cao, hoặc phải đến sống ở những vùng này.

Người có nhu cầu đi đến và lưu trú tại các vùng đang có nguy cơ nhiễm bệnh.

Người lớn tuổi, già yếu hoặc suy nhược, khi thử máu không có sự hiện diện của kháng thể chống virus gây bệnh viêm gan A (HAV-IgG).

Những người do nghề nghiệp phải tiếp xúc với môi trường có khả năng lây nhiễm cao, vệ sinh môi trường kém...

Những người do nghề nghiệp phải thường xuyên tiếp xúc với bệnh nhân.

Thuốc chủng ngừa thường cần phải tiêm 2 mũi, cách nhau từ 6 – 12 tháng. Thời gian miễn dịch đã được đảm bảo chắc chắn là 7 – 8 năm, cho dù một số nghiên cứu cho rằng thuốc có hiệu lực suốt đời.

Thuốc chủng ngừa chỉ bắt đầu có hiệu lực khoảng 4 tuần sau khi tiêm, vì đây là thời gian cần thiết để cơ thể tạo ra kháng thể HAV-IgG. Trong những trường hợp cần có hiệu quả tức thời, người ta thường dùng huyết thanh miễn dịch (immune globulin) để tạo khả năng miễn dịch ngay sau khi tiêm thuốc.

Hùng John - lớp định hướng nhi đại học y Hà nội - thành viên thongtinthuoc.net

Có thể bạn quan tâm